Mối tương quan giữa giá vàng và lạm phát
Wednesday, 16/10/2024 15:11 PM
Khi lạm phát gia tăng, nền kinh tế bất ổn thì mọi người lại đổ vốn đầu tư vào vàng khiến cho vàng tăng giá. Vậy tại sao có điều này? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Lạm phát là gì?
Lạm phát là sự tăng mức giá chung một cách liên tục của hàng hóa và dịch vụ theo thời gian và đi kèm là sự mất giá trị của một loại tiền tệ. Điều này có nghĩa là khi mức giá chung tăng cao, tiền của bạn sẽ mua được ít hàng hóa và dịch vụ hơn so với trước đây.
Ví dụ: Năm 2020, bạn chỉ chỉ bỏ ra 35.000 đồng để mua một tô phở. Nhưng đến năm 2023, bạn phải bỏ ra 50.000 đồng để ăn đúng tô phở tương tự. Như vậy, bạn đã phải bỏ ra một số tiền lớn hơn để chi trả cho cùng 1 loại hàng hóa. Nếu nhiều loại hàng hóa đều tăng giá như vậy thì sẽ kéo lạm phát tăng lên.
Lạm phát thường đo bằng tỷ lệ phần trăm. Lạm phát xảy ra khi có quá nhiều tiền mặt trong nền kinh tế dẫn đến tiền bị giảm giá trị.
Lạm phát có 3 mức độ chính:
- Lạm phát tự nhiên: Khi tỷ lệ lạm phát từ 0 đến dưới 10%/năm. Đây là mức lạm phát tích cực, có lợi cho sự tăng trưởng của nền kinh tế. Hầu hết các quốc gia đều cố gắng duy trì lạm phát dưới 5%.
- Lạm phát phi mã: Xảy ra khi mức tăng giá trung bình hàng năm từ 10% đến dưới 1000%. Lạm phát cao gây bất lợi cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến đầu tư, buộc Chính phủ phải áp dụng chính sách tiền tệ để kìm hãm.
- Siêu lạm phát: Xảy ra khi mức tăng giá vượt 1000% trở lên, thường xảy ra khi khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Mức lạm phát này có thể gây ra hỗn loạn, sụp đổ hệ thống tài chính và thiệt hại nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.
Lạm phát khiến sức mua giảm, với cùng một số tiền nhưng lượng hàng hóa mua được lại ít đi. Khi đó, người dân phải thắt chặt chi tiêu, hạn chế mua sắm, du lịch, để dành tiền cho các chi phí thiết yếu. Điều này lại là nguyên nhân làm suy giảm hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Khi lạm phát dưới 5%, nền kinh tế được xem là ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển. Do đó, có nhiều kênh đầu tư hấp dẫn hơn vàng. Thế nhưng khi lạm phát lên cao, trên 5% đến 10% và cao hơn nữa, vai trò của vàng lại trở nên nổi bật. Không chỉ người dân, nhà đầu tư cá nhân mà cả các quốc gia cũng tăng cường dự trữ vàng khi kinh tế bất ổn.
Mối tương quan giữa giá vàng và lạm phát
Lạm phát làm giảm giá trị đồng tiền. Khi lạm phát tăng, giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng lên, đồng nghĩa với việc một đơn vị tiền tệ có thể mua được ít hàng hóa hơn. Tuy nhiên, khi lạm phát tăng lên, giá vàng cũng tăng theo.
Nguyên nhân vì vàng được coi là một tài sản trú ẩn an toàn trong lạm phát. Khi giá cả tăng, người dân thường tìm cách bảo vệ tài sản của mình khỏi sự mất giá bằng cách đầu tư vào vàng, làm tăng nhu cầu và giá của kim loại quý này.
Việc giá trị của đồng tiền giảm, cũng khiến người dân chuyển dịch sang tích trữ vàng. Đây được coi là một cách để bảo vệ giá trị tài sản khỏi sự mất giá của đồng tiền.
Không giống như tiền tệ, vàng là hàng hóa thực và có giá trị nội tại, bởi vậy nó cũng bị chi phối bởi giá cả thị trường cũng như quy luật cung cầu.
Ví dụ: Năm 2000, một căn nhà có giá 10 cây vàng (khoảng 500 triệu). Sau 10 năm, giá trị căn nhà tăng lên 800 triệu, giá vàng cũng tăng từ 50 triệu/lượng lên 80 triệu/lượng. Trường hợp bạn giữ tiền thì với 500 triệu, bạn không đủ để mua nhà. Nhưng nếu bạn giữ vàng thì giá trị vẫn bằng 1 căn nhà, không thay đổi.
Tuy nhiên, không phải lúc nào giá vàng cũng tăng khi lạm phát tăng. Ngoài lạm phát, còn có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến giá vàng, bao gồm lãi suất, tình hình chính trị và kinh tế toàn cầu, cung cầu trên thị trường và sự thay đổi trong quan niệm đầu tư của người dân. Do đó, mối tương quan giữa giá vàng và lạm phát không phải lúc nào cũng đơn giản và dễ dàng dự đoán.
Xem thêm: Sim hợp tuổi 1990 Canh Ngọ
Các yếu tố chi phối mối quan hệ giữa vàng và lạm phát
Vàng và lạm phát có mối quan hệ khá phức tạp và bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau, điển hình như:
- Sự tăng giảm lãi suất: Lãi suất, đặc biệt là lãi suất thực (lãi suất danh nghĩa trừ đi tỷ lệ lạm phát) tăng có thể làm giảm sức hấp dẫn của vàng so với các kênh đầu tư khác. Ngược lại, khi lãi suất giảm, vàng lại trở thành một lựa chọn đầu tư an toàn hơn.
- Đô la Mỹ: Vàng thường được định giá bằng đô la Mỹ. Khi đồng đô la yếu đi, giá vàng thường tăng. Giá vàng thường di chuyển theo chiều ngược lại với sức mạnh của đồng tiền này.
- Cung và cầu: Nhu cầu và cung cấp vàng từ các nhà đầu tư, ngân hàng trung ương và các ngành công nghiệp cũng là những yếu tố quan trọng, với nhu cầu tăng lên trong thời kỳ bất ổn kinh tế hoặc địa chính trị, làm cho vàng trở thành một tài sản trú ẩn.
- Sự kiện địa chính trị: Các sự kiện bất ổn về địa chính trị có thể làm tăng nhu cầu về vàng như một tài sản trú ẩn an toàn.
Những yếu tố này cùng nhau tạo nên một hệ thống tương tác phức tạp, mỗi biến động của từng yếu tố đều có thể tác động đến giá trị của vàng so với lạm phát.
Trên đây là mối tương quan giữa giá vàng và lạm phát, hy vọng bạn đọc đã hiểu rõ và có quyết định đầu tư đúng đắn cho mình.a
Quý độc giả quan tâm tới diễn biến thị trường giá vàng có thể theo dõi chuyên mục giá vàng trên CafeF. Truy cập: https://s.cafef.vn/gia-vang-hom-nay/trong-nuoc.chn, đê cập nhật thông tin thị trường vàng mới nhất.